Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Đề bài: Anh/chị hãy viết bài Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Mục Lục bài viết:1. Dàn ý chi tiết
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3
Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
I. Dàn ý Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
1. Mở bài Đặng Trần Côn đã viết nên tác phẩm Chinh phụ ngâm như một khúc ngân xé lòng về nỗi đau về khát khao hạnh phúc của người chinh phụ xưa khi phải rời xa người thương.
2. Thân bài
- Bước đi đầy thẫn thờ, mỗi bước chân mang nặng nỗi sầu bi- Ngồi nơi rèm thưa mà lòng chẳng chịu yên, mong chờ tiếng chim thước báo tin chàng trở về cho thỏa lòng mong mỏi, vậy mà chẳng một tiếng kêu.- Nỗi buồn khổ thốt chẳng nên lời, xót thương cho bóng người sầu muộn bên hoa đèn cô đơn, ủ rũ, buồn thương.- Cảnh vật giờ đây cũng như tâm trạng của nàng vậy, thật ảm đạm, hiu hắt, hoang vắng:+ Tiếng gà eo ốc+ Bóng hoè phất phơ- Thời gian dài đằng đẵng như nỗi sầu vô tận.- Càng gắng gượng thoát khỏi nỗi cô đơn bao nhiêu thì nỗi cô đơn lại càng bủa vây chiếm lấy cả tâm hồn nàng:+ Gượng gạo soi gương thì lệ buông+ Gảy tiếng đàn mang khúc nhạc tình yêu thì dây đứt- Muốn mượn cơn gió đông kia gửi đến chàng những lời yêu thương thắm thiết nhất nơi đáy lòng mình.3. Kết bài
Thông qua tâm trạng bi thiết của người chinh phụ, tác giả đã nói lên tiếng lòng của bao người phụ nữ trong xã hội đồng thời là tiếng nói tố cáo bao cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm chia lìa hạnh phúc lứa đôi.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
1. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 1:
Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu nhưng những câu chuyện, tàn dư vẫn còn kéo dài mãi đến tận hôm nay. Những bài học lịch sử. những giai thoại văn học vẫn nhuốm đầy mùi đau thương. Tôi chợt nhớ đến người chinh phụ - chinh phu trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn. Người chinh phụ ngày nhớ đêm mong người chồng nơi chiến trường đã ngậm ngùi thốt lên những lời ngâm xót xa. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ấy đột nhiên làm tôi giật mình xót thương...
"Chinh phụ ngâm" có thể nói là một tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn được Đoàn Thị Điểm dịch (bản dịch trong sách Ngữ văn 10). Tác phẩmlà lời độc thoại nội tâm của người vợ có chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến khởi xướng. Người vợ đã khuyên chồng ra phò vua giúp nước mong muốn gây dựng công danh. Tuy nhiên khi tiễn đưa người chồng đi rồi người vợ nơi quê nhà cô quạnh nhớ thương, khúc ngâm là những nhớ thương, tưởng tượng của người vợ về hình ảnh chồng nơi chiến trường. Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" diễn tả tâm trạng trăn trở, lo lắng của người chinh phụ khi đã quá hạn mà chồng vẫn chưa về, nàng gửi trọn tất cả niềm nhớ vào cảnh vật, vào từng hành động mỗi ngày.
Chúng ta đều biết những người yêu nhau sẽ luôn muốn ở cạnh nhau, đặc biệt là khi mới vừa lập gia đình. Và người chinh phụ cũng không ngoại lệ, tình cảm vợ chồng chưa bao lâu mà chàng đã phải ra chiến trường. Ngày đưa tiễn, nàng dặn lòng sẽ chờ nhưng rồi trở về căn phòng trống vắng chỉ có cảnh không còn người, nàng tự trách, tự hỏi cớ sao đôi lứa phải chia lìa nhau? Bao nhiêu nỗi cô đơn, buồn tủi, than trách tuôn trào khi phải chịu cảnh lẻ loi...
"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước"
Cứ ngỡ "dạo hiên" ấy nàng đang thảnh thơi chẳng lo nghĩ nhưng thực chất là đang lo lắng, bồn chồn, lòng chẳng yên. Nàng đi đi lại khắp hiên nhà như để giết thời gian đang chậm chạp trôi qua:
"Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin"
Tấm rèm được kéo lên rồi lại buông xuống như tâm trạng đang rối như tơ vò, day dứt, bồn chồn của nàng. Nếu dạo hiên thì "hiên vắng" - sự cô đơn, lẻ bòng thì khi ngồi trước rèm nàng lại chọn rèm thưa, tại sao? Bởi lẽ chỉ thưa nàng mới có thể mong ngóng tin chồng trở về, nàng hy vọng mong manh rằng qua chút khe hở ấy có thể thấy bóng dáng người chồng thân thương. Tâm trạng u uất, chất chứa nhưng chẳng một ai để chia sẻ, người chinh phụ như tự nhốt mình vào thế giới riêng:
"Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi."
Chinh phụ ngồi trước đèntâm sự với ngọn đèn nhưng cũng chính là tự nàng độc thoại với nỗi lòng. Nàng cô độc, nàng khao khát mãnh liệt sẽ có người cùng trò chuyện, cùng lắng nghe tâm tư của nàng nhưng sao mờ mịt, không gian vắng lặng vẫn chỉ một mình nàng. Cuối cùng nàng mượn đèn để gửi gắm nỗi lòng của mình. Ta đã từng thấy hình ảnh đèn xuất hiện nhiều trong ca dao như "Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt?" Ngọn đèn tượng trưng cho nỗi nhớ, cho những đêm thức trọn mong chờ tin của người ở lại đối với người phương xa. Nhưng càng hỏi người chinh phụ càng lui vào bế tắc, ngọn đèn ấy vốn dĩ chỉ là vật vô tri vô giác làm sao hiểu được? Nàng càng tủi cho phận mình "Hoa đèn kia với bóng người khá thương" - tự xót thương, tự hờn trách thân mình bẽ bàng, cô liêu giữa đêm khuya tĩnh mịch. Người chinh phụ giờ chỉ còn là "bóng người" tàn lụi như hình ảnh hoa đèn lụi tàn khi ngọn dầu đã cạn, một nỗi trống trải, một thân xác không còn sức sống.
Bài văn Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ hay nhất
Người ta nói "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" có lẽ là đúng! Khi tâm trạng chinh phụ đang trào dâng thì cảnh vật quanh nàng dường như càng sầu bi hơn:
"Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gãy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng."
Tiếng gà gáy "eo óc" gợi sự thê lương, sầu thảm. Hòe trong đêm chẳng buồn khoe sắc mà xuôi bóng ủ rủ. Cảnh vật bên ngoài nhuốm màu tang thương, vô hồn càng làm cho người chinh phụ thêm lẻ loi, tủi thân. Nàng ngóng trông chỉ mong khắc giờ trôi qua thật nhanh nhưng thời gian cứ trôi chậm chạp, cứ kéo dài "đằng đẳng" khiến nỗi sầu cũng dày thêm, như một tiếng thở dài buông thả cho tất cả. Một giờ với nàng như một năm dài triền miên, nỗi sầu nhớ chồng thì gửi tận miền biển xa, sâu rộng không bờ bến. Nghệ thuật so sánh dường như tô đậm, khắc họa rõ hơn, sâu hơn nỗi nhớ bao trùm lên cả thời gian, không gian của người chinh phụ. Nàng cô đơn giữa màn đêm, nàng "gượng" người làm những hành động quen thuộc để giết chết thời gian nhưng dường như không còn tâm trí. Nàng đốt hương để tìm chút lòng thanh thản nhưng càng mê mải, chìm đắm trong mộng mị. Nàng soi gương thì "lệ lại châu chan" - nỗi buồn rơi vào cực điểm. Nàng gãy đàn, mượn tiếng đàn để giải tỏa nỗi lòng nhưng buồn thay dây đứt, phím chùng - khát khao hạnh phúc bỗng chốc như điềm báo gở, nàng lại âu lo, lại suy nghĩ và buồn sầu hơn. Thực chất ta thấy người chinh phụ khi thực hiện những hành động ấy đều là "gượng" - tự ép bản thân lừa dối cảm xúc nên sầu càng thêm sầu, tự mình nhốt mình trở lại với tâm trạng chán chường, mệt mõi. Mười sáu câu đầu, hình ảnh người chinh phụ hiện lên lẻ loi, cô đơn với nỗi nhớ thương sâu nặng đến mức nàng quên mất thực tại, chìm vào chiêm bao. Cũng đúng thôi, người vợ nào chẳng thế khi bóng dáng người chồng cứ mù mịt, bặt tin suốt ngần ấy năm...
Nếu những dòng thơ đầu hình ảnh người chinh phụ hiện lên với từng nỗi nhớ chỉ thoáng thấy qua cảnh vật thì tám câu cuối nỗi nhớ đã tuôn trào, bật ra thành tiếng, thành hình. Chinh phụ đem nỗi nhớ ấy gửi cho gió đông, nhờ gió đem đến cho người chồng của mình nơi chiến trường:
"Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên"
Người chinh phụ giờ vẫn bặt vô âm tín, nàng chỉ biết chàng ở biên ải xa xôi mà chỉ có gió mới giúp nàng mang nhớ thương gửi đến nơi chàng. Nỗi nhớ dày hơn, nhạy hơn khi nhịp thơ, điệp từ liên tục lặp lại, đồn dập, tha thiết:
"Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong."
Từ láy gợi độ sâu, độ rộng của nỗi nhớ xuất hiện liên tục "thăm thẳm", "đau đáu" - thời gian, không gian lúc này như một đơn vị để đo lường cho nỗi nhớ. "Thăm thẳm đường lên bằng trời" - có ai biết đường lên trời ấy dài bao nhiêu? Nỗi nhớ cứ kéo dài mãi không biết là bao lâu, bao xa, thậm chí chuyển sang hòa vào trời xanh rộng lớn. Nếu thời gian là độ dài của nỗi nhớ, không gian là độ rộng thì lòng chinh phụ chính là độ sâu của nỗi nhớ. "Đau đáu" là khát vọng nhưng cũng chính là vô vọng, bao nỗi nhớ nhờ gió gửi tận trời cao nhưng đổi lại chỉ là sự lo sợ rằng chàng nơi biên cương liệu có biết lòng nàng đang ngày đêm mong nhớ? Và nếu biết có lẽ chàng đã trở về...
Nhớ thương gửi trọn vào cảnh vật, tâm trạng con người cũng hòa chung vào cảnh vật. Người chinh phụ nhìn cảnh vật mà chạnh lòng hay ta tự hỏi chính lòng chinh phụ đang sầu nên nhìn cảnh chỉ nhuốm màu đau thương? "Cảnh buồn người thiết tha lòng" hay lòng người gieo rắt nỗi sầu cho cảnh? Có lẽ chỉ lòng người chinh phụ mới hiểu rõ. Hay lòng nàng giờ đã buốt giá:
"Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun"
Đêm đã vê khuya, sương rơi thấm đẫm những cành cây trong đêm, thấm cả tâm hồn đã nguội của chinh phụ, làm tâm hồn nàng trở nên giá buốt hơn. Tiếng côn trùng bật lên trong đêm càng gợi sự cô quạnh, nhưng cũng chính là tiếng lòng nàng đang rung lên hồi chuông buông xuôi bất lực, Nỗi sầu nhớ lúc này hòa vào tiếng mưa, vào tự nhiên, lẫn vào âm thanh sầu thảm của đêm tối. Con người, tâm trí nàng đã tan theo làn mưa đêm...
Thiết nghĩ để khắc họa hình ảnh người chinh phụ cùng nỗi nhớ sâu nặng ấy tác giả đã rất tinh tế trong việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh. Từng từ như ghim vào tâm can người đọc, từng hình ảnh như vẽ ra một chinh phụ "dạo bước hiên vắng", "gượng gãy ngón đàn",...Kết hợp với nhịp thơ dào dạt của thể thơ song thất lục bát càng làm người đọc như cuốn vào từng cung bậc cảm xúc, trôi theo tâm trạng của người chinh phụ. Bút pháp nghệ thuật tài hoa, ngôn từ giản dị mà sâu sắc, cảnh - tình như hòa trộn vào nhau, điều này đã giúp tác giảthành công trong việc chiếm trọn cảm xúc của độc giả.
Người chinh phụ ấy khao khát sự đồng cảm mãnh liệt nhưng đến cuối cùng vẫn chỉ một mình. Nàng còn quá trẻ, nàng vẫn còn sự nồng cháy trong tình yêu đôi lứa, mặn nồng của hạnh phúc vợ chồng, Ấy thế mà chiến tranh đã cướp đi điều tưởng chừng đơn giản đó để rồi bỏ lại nàng cô đơn, lẻ bóng, ngóng trông tin người thương trong vô vọng. Mượn hình ảnh người chinh phụ không chỉ để nàng nói lên nỗi nhớ thương, tình cảnh lẻ loi mà qua đó còn là tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa, đấu tranh đòi quyền hạnh phúc lứa đôi trong tình yêu. Và quan trọng là khát khao được sống hạnh phúc giữa thời bình.
Khép lại bài thơ nhưng hình ảnh người chinh phụ ngồi trước gương lệ châu chan vẫn cứ ám ảnh tâm trí tôi mãi. Tôi thương nàng, thương cho số phận lẻ bóng, thương cho kiếp phụ nữ đang ở lứa tuổi xuân thì đã chịu cảnh đơn chiếc. Giật mình, tôi chợt nghĩ có lẽ xã hội phong kiến còn rất nhiều nữa những người chinh phụ như nàng. Những suy nghĩ cho số phận của họ cứ thường trực trong tôi...
"Khắc giờ đằng đẳng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"
--------------------HẾT----------------------
Nhằm hỗ trợ các em trong quá trình học tập và tìm hiểu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, bên cạnh bài Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Ngữ văn lớp 10, Thuyết minh về Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Cảm nhận đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Viết lại nội dung đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ theo lời của người chinh phụ.
2. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 2:
Chiến tranh - hai từ nghe sao mà đau thương, nó đã để lại bao hậu quả, về sự chia li, sự mất mát. Từ thời xa xưa, chiến tranh luôn xảy ra vì muốn giành lại độc lập hoặc xâm chiếm. Dù vì mục đích gì, nó đã làm cho bao gia đình đau khổ trong cảnh chia li, từng ngày ngóng trông lo lắng. Hiểu được nỗi lòng đó, ở thế kỉ XVIII, tác giả Đặng Trần Côn đã sáng tác bài thơ “Chinh phụ ngâm” về sự mất mát, cô đơn của người phụ nữ, gia đình có chồng đi lính. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã làm nổi bật lên nỗi buồn, lẻ loi, ngày ngày lo lắng cho chồng, và mong rằng có một tương lai hạnh phúc.
Mở đầu đoạn trích, người đọc đã có thể cảm nhận ngay được một bóng hình lẻ loi, cô đơn trong một không gian tĩnh mịch, yên ắng:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?”
Các câu thơ không có một từ chỉ người nhưng ta có thể cảm nhận ngay ra một hình ảnh người phụ nữ quá lẻ loi, cô độc trong cảnh đêm “hiên vắng”. Nàng đi đi lại lại, từng bước, từng bước, của sự lo lắng, trông mong. Những hành động luôn vô thức lặp lại, buông rèm, rồi kéo rèm, nàng hướng ra xa, lòng nàng từng giờ phút chỉ hướng tới chồng mình, trông tin lành. Nhịp thơ chậm, đều đều, như ngưng tụ lại, hình ảnh hiện lên thật rõ nét, sự sáng tác ấy đã mang lại sự đồng của người đọc. Với câu hỏi tu từ, nàng thực muốn biết tin tức của chồng ra sao, lòng bồn chồn khắc khoải với những câu hỏi không có lời đáp.
Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy được số phận người phụ nữ trong xã hội xưa
Nỗi cô đơn ấy, có ai hiểu cho nàng, nàng mong muốn được chia sẻ, nàng chỉ có thể chia sẻ với những vật vô tri, vô giác:
“ Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi
Buồn rầu chẳng nói nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”
Trong cảnh đêm tĩnh mịch, còn mỗi ngọn đèn kia làm bạn, nàng hỏi, như để tự trấn an lòng mình. Nhưng càng đối mặt với ngọn đèn, thì nàng chỉ thấy hiện rõ lên hình bóng lẻ loi của bản thân, nàng càng nhận ra “lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi”, rằng chẳng ai, ngoài nàng, đang bị sự cô đơn gặm nhấm từng giây, từng giờ. Hình ảnh ngọn đèn được sử dụng nhiều trong văn thơ, và hình ảnh ẩn dụ của ngọn đèn trong đoạn trích này đang soi lòng của người phụ nữ trông chồng, một nỗi buồn rầu đến thương cảm.
Dường như nỗi cô đơn của người chinh phụ đã dần thấm trong từng không gian:
“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”
Tiếng gà gáy đến eo óc, bóng cây hòe rủ phất phơ trong đêm. Ở đây, tác giả đã sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình, cảnh vật nhuốm màu bi thương vô tận khó mà nắm bắt. Không chỉ về cảnh vật, thời gian của nàng như càng chậm trôi:
“Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền ải xa”
Từng câu thơ thấm đầy tâm trạng. Với từ láy “đằng đẵng” kết hợp với “ dằng dặc” đã làm nổi bật len một nỗi buồn không chỉ kéo dài, mà còn nặng trĩu. Tác giả đang nhấn mạnh thêm về mặt thời gian cũng như không gian, so sánh một giờ bằng một năm, mối sầu bằng biển lớn mênh mông với hai từ láy, như cho thấy tiếng thở dài đáng thương của người thiếu phụ đắm chờ chồng.
Người phụ nữ ấy đang chiến đấu từng giờ với sự cô đơn:
“Hương gượng đốt hồn đà mê sải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Duyên ương kim đứt, phím loan ngại chùng.”
Điệp từ “gượng” được lặp lại tới ba lần, một từ chỉ sự hành động đầy ngượng ngạo, cố gắng làm một cái gì đó. Nỗi buồn của nàng dường như rơi vào đỉnh điểm. Cố đốt hương, rồi chính nàng mê sảng, không tỉnh táo được. Gượng soi gương để chỉnh lại nhan sắc, mà giọt lệ lại càng châu chan. Nàng gảy đàn, mà lòng sợ kim đứt, rồi bao kỉ niệm lại ùa về. Cứ tưởng làm việc gì đó để quên đi nỗi buồn, nhưng không nỗi sầu ấy lại càng thêm chồng chất.
Sống trong sự cô đơn, lo lắng vậy, nhưng lòng nàng vẫn luôn hướng về miền đất xa xôi kia, luôn gìn giữ tấm lòng thủy chung của mình:
“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
……
Cánh buồm người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”
Không gian dường như được mở rộng hơn, xa hơn đến tận núi Non Yên. Nàng gom lại những nỗi nhớ, lòng yêu thương sâu sắc tận tâm mình, nhờ gió đông gửi tới cho người biên ải xa xôi. Một hình ảnh ước lệ đã gợi lên khoảng cách địa lí giữa hai con người, nỗi nhớ tràn ra cả không gian rộng lớn, kết hợp với hình ảnh hơi khoa trương về nỗi nhớ nhung rằng nó dài đằng đẵng, và rồi dường như chỉ có kích thước của vũ trụ ấy mới đo được lòng nàng vậy. Giữa cảnh người và vật có sự tương đồng bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Người chinh phụ nhìn cảnh vật bằng đôi mắt chất chứa buồn thương. Các câu thơ dù đi từ tả tâm trạng đến tả cảnh hay ngược lại thì ta càng thấy sự luẩn quẩn trong lòng người phụ nữ cô đơn, lẻ loi. Từ láy “thiết tha” cho thấy sự dai dẳng không thôi, nó đeo bám người chinh phụ, như muốn cắt da cắt thịt bằng nỗi nhớ mong ấy. Cảnh vật càng cây, sương, mưa, các hình ảnh đều bé nhỏ, mong manh cũng như nàng vậy, khiến nàng càng thêm sầu não.
Dưới ngòi bút của mình, tác giả đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật trong việc diễn tả tâm trạng của người chinh phụ. Ông đã sử dụng các từ láy rất độc đáo kết hợp với biện pháp điệp ngữ, khéo léo trong việc lấy hình ảnh ẩn dụ, các bút pháp ước lệ tượng trưng. Đặc biệt, ông đã rất thành công trong việc “tả cảnh ngụ tình” đã làm nổi bật các cung bậc cảm xúc của người phụ nữ. Thể thơ song thất lục bát với âm điệu réo rắt đã khiến cho người đọc không khỏi đồng cảm, yêu thương người chinh phụ nhiều hơn.
Những vần thơ trong đoạn trích đã vẽ lên một nỗi buồn tâm can của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến. Qua đó, tác giả muốn lên án tố cáo chiến tranh phong kiến đã làm phá hủy hạnh phúc lứa đôi của con người, đồng thời ông muốn khẳng định quyền được hạnh phúc của con người. Ông đồng cảm với người phụ nữ và luôn mong muốn họ cũng có được hạnh phúc, cho thấy ông là một người có một tư tưởng nhân đạo thật sâu sắc: yêu thương, trân trọng con người.
3. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 3:
Cảnh chinh chiến binh đao trong xã hội cũ khiến cho bao kẻ khóc không thành tiếng, loạn lạc xảy ra làm bao gia đình tan tác, lâm vào cảnh chia li từ biệt. Hiểu thấu được những niềm đau và dòng tâm trạng của những người phụ nữ có chồng ra trận, Đặng Trần Côn đã viết nên tác phẩm Chinh phụ ngâm như một khúc ngân xé lòng về nỗi đau về khát khao hạnh phúc của người chinh phụ xưa khi phải rời xa người thương. Nỗi cô đơn của người con gái ấy hiện lên thật buồn, thật lẻ loi biết bao: “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.” Vẫn những bước đi quen thuộc đấy thôi, vẫn dạo hiên như mỗi ngày mà lòng thật buồn, bước chân như nặng trĩu nỗi lòng bởi hiên " vắng" bóng chàng, vắng bóng người thương. Bước đi đầy thẫn thờ, mỗi bước chân mang nặng nỗi sầu bi, chẳng thiết tha gì với mọi sự xung quanh, phải chăng nỗi lòng nàng giờ đây chỉ có bóng hình chàng trai nơi chiến trận xa xôi. Ngồi nơi rèm thưa mà lòng chẳng chịu yên, mong chờ tiếng chim thước báo tin chàng trở về cho thỏa lòng mong mỏi, vậy mà chẳng một tiếng kêu. Giờ đây chỉ mình nàng với ngọn đèn khuya bầu bạn, ngọn đèn thắp lên cho vơi nỗi nhớ chàng mà lại càng nhớ thêm, đèn có biết nỗi lòng của nàng không? Hãy chẳng bao giờ hiểu thấu được nỗi cô đơn rợn ngợp nơi trái tim nàng. “Đèn có biết dường bằng chẳng biết…Hoa đèn kia với bóng người khá thương” Thực tại quá đỗi phũ phàng, đèn sao có thấu được nỗi lòng này .Nỗi cô đơn , mong ngóng này chỉ mình nàng thấu, mình nàng chịu đựng mà thôi, chẳng ai có thể chia sẻ, không một ai hiểu được lòng này. Nỗi buồn khổ thốt chẳng nên lời, xót thương cho bóng người sầu muộn bên hoa đèn cô đơn, ủ rũ, buồn thương. “Khắc chờ đằng đẵng như niên,Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”
Người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu những bất công, bị tước đoạt quyền tự do, quyền hạnh phúc. Để thấy rõ hơn cuộc sống và số phận của họ, các em có thể tham khảo thêm những tác phẩm đặc sắc khác như: Phân tích đoạn trích Trao duyên, Phân tích bài thơ Bánh trôi nước, Phân tích bài Độc tiểu thanh kí của Nguyễn Du.
Trên đây là tất cả những gì có trong Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Bạn ấn tượng với điều gì nhất trong số đó? Liệu chúng tôi có bỏ sót điều gì nữa không? Nếu bạn có ý kiến về Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận bên dưới. Hoặc nếu thấy bài viết này hay và bổ ích, xin đừng quên chia sẻ nó đến những người khác.

Post Comment
(*) Lưu ý:
+ 1: Bạn phải sử dụng email thật, một email xác thực sẽ được gửi đi sau khi bạn gửi comment để xác nhận bạn không phải là người máy. Nếu bạn không xác nhận email, comment của bạn CHẮC CHẮN sẽ không được duyệt.
+ 2: Bạn chỉ cần xác thực email cho lần đầu tiên, những lần sau sẽ không cần xác thực
+ 3: Chúng tôi sẽ không hiển thị công cộng email của bạn